Ngày giãn cách ở Sài Gòn
Sống ở Sài Gòn hơn chục năm, tôi đã rất quen với khung cảnh phồn hoa náo nhiệt của một thành phố trẻ đầy sức sống. Năm nay, cơn sóng COVID-19 lại một lần nữa phủ xuống Sài Gòn, mà lần này mọi chuyện trở nên nghiêm trọng hơn năm ngoái nhiều. Đã hơn hai tháng tôi chưa ra khỏi nhà, kể từ lúc dịch bệnh bắt đầu diễn biến phức tạp buộc công ty phải yêu cầu mọi người "Work From Home".
Mỗi ngày, tôi dậy sớm, tự tay mình làm một ly cà phê Expresso bằng một chiếc máy pha cà phê mini cầm tay mà vợ tôi hay gọi vui là "Cà Phê Bóp". Nhờ nó mà ly cà phê đậm đà không thua kém gì những quán cà phê sang chảnh. Dĩ nhiên, hương vị vẫn không thể so sánh được với ly cà phê do chính tay vợ tôi pha cho, bởi cô ấy tỉ mỉ chuẩn bị từ khâu cho cà phê nguyên hạt từ từ vào máy xay để cho ra độ mịn chuẩn xác, cho đến khâu pha chế với một lượng "tỉ lệ vàng" cà phê xay và nước nóng, vừa đủ để cho ra ly cà phê đậm đà không đâu sánh bằng, vừa uống, không nhiều không ít. Cô ấy đã gợi ý pha cà phê cùng với một muỗng mật ong, quả thật khiến tôi uống vào thích ngay và cho đến tận bây giờ. Tuy nhiên, không phải ngày nào vợ tôi cũng có thời gian để pha chế vào buổi sớm. Cô ấy thường xuyên bận rộn với các công việc nhà cửa, chăm sóc con cái mà nhiều đêm mất ngủ hoặc ngủ không đủ giấc. Vậy nên, tôi để vợ ngủ nướng thêm một chút, việc pha cà phê tôi cũng đã có "đồ chơi" của mình.
Tình hình ngày một căng thẳng khi dịch bệnh bắt đầu tấn công các chợ đầu mối nên bị chính quyền yêu cầu tạm thời đóng cửa, khiến cho việc mua thực phẩm tươi sống trở nên khó khăn hơn. Thêm vào đó, do nhiều người tâm lý lo lắng, hoảng loạn, nên họ đã mua nhiều hơn ngày thường để tích trữ, phần cũng vì nguồn cung và vận chuyển trở nên khó khăn do giãn cách. Đã hơn tuần nay, tôi chưa nhìn thấy quả trứng nào, mặc dù vẫn có thể mua được một ít thịt, rau, nhưng cũng khá chật vật xếp hàng. Các quán ăn quan nước cũng bị đóng cửa. Thât may mắn là vợ tôi nấu ăn rất ngon, nhưng lâu rồi không order được đồ ăn ngoài nên khá là thèm các món như bún thái, phở bò, mì hoành thánh, hủ tiếu nam vang, pizza và gà rán,... Rồi một ngày nọ, chính quyền yêu cầu mọi người đi xét nghiệm để tầm soát Covid trên diện rộng, vợ chồng tôi cũng thay phiên nhau ra xếp hàng, trải nghiêm cái cảm giác bị chọc vào mũi thật là thốn không thể tả.
Trong thời gian hai tháng WFH này, tôi phải làm việc online, và do đã khá quen nên công việc vẫn trôi chảy. Tôi cũng có nhiều thời gian hơn để chơi với con, trò chuyện với vợ. Donnie đã biết đi từ khi tròn 11 tháng, nhưng tới nay vẫn chưa được ra ngoài dạo chơi mà chỉ đi quanh quẩn trong nhà, tôi đoán cu cậu cũng thấy buồn chán nữa là. Khi tôi đang làm việc thì cu cậu cứ hay chạy đến ôm chân kéo kéo đòi ẳm. Lâu rồi không ra ngoài dạo phố, hít thở không khí, khiến tôi cũng thấy buồn bực, căng thẳng với công việc. Tôi khá nhớ những lúc ra siêu thị mua sắm cùng vợ, hay khi ngồi quán cà phê, quán ăn yêu thích cùng chuyện trò cùng bạn bè, nhâm nhi vài ly bia tươi, lai rai nhắm đồ nướng. Giờ đây những ngày cuối tuần, tôi chỉ còn biết chăm sóc cây, đọc sách hay nghe sách nói, luyện đàn ghi-ta, thỉnh thoảng giúp vợ rửa chén, dọn rác. Tôi đã dường như không còn tìm được niềm vui với phim ảnh nữa, phải chăng mình đã già?!
Dịch bệnh cũng nhanh chóng lan vào các khu công nghiệp khiến nhiều người phải tạm thời thất nghiệp, tôi khá may mắn vì làm trong ngành công nghệ nên không bị ảnh hưởng. Nhưng rất nhiều người không may mắn đến vậy, hầu hết đã phải tạm nghỉ không lương khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn. Dịch bệnh không chỉ ở Sài Gòn, mà còn lây sang các tỉnh lân cận, đặc biệt là Bình Dương, quê của vợ tôi. Tôi cảm thấy rất hoang mang khi nghe tin ba vợ bị đưa đi cách ly vì tiếp xúc với F0, rất may là sau 21 ngày trong trại cách ly, ông ấy đã có kết quả âm tính với Covid-19 và được về nhà. Thế nhưng một vài người ở chung trại với ông lại không được may mắn vậy, hầu hết đã bị xác định là dương tính và nhập viện điều trị; ở khu cách ly có một cô trung niên vì chủ quan, không tuân thủ đủ quy tắc 5K, thêm nữa vì không ăn được đồ ăn ở đấy dẫn đến sức đề kháng suy giảm, tạo điều kiện cho vi rút phát triển nhanh chóng, tình trạng chuyển biến xấu và qua đời ngay khi được phát hiện và đưa vào nhập viên. Anh vợ sống ở Bình Dương (tôi hay gọi là anh ba) cũng phải vào công ty ăn ngủ tại chỗ để tránh lây lan dịch bệnh. Còn một anh khác cũng sống ở Sài Gòn (tôi hay gọi là anh hai) đã nghỉ dạy không lương được hơn tháng nhưng anh phải nuôi cả gia đình một vợ hai con nên phải đi vay mượn thêm để vượt qua. Dịch bệnh cũng đã lây lan lên quê hương Lâm Đồng - Đà Lạt của tôi, vì nghe tin ca dương tính gần nhà, mẹ tôi trong lúc đi mua thực phẩm dự trữ đã đụng xe vào một chú chó bất ngờ chạy qua đường. May mắn là mẹ tôi chạy chậm nên chỉ bị sây xát nhẹ.
Qua những việc tôi kể cho thấy cơn sóng Covid-19 này diễn ra gần giống như tình tiết các bộ phim khoa học giả tưởng về chủ đề thảm hoạ, một khi xảy ra liền kéo theo nhiều hê luỵ không lường trước được. Nhiều người xung quanh khu tôi sống hay nói câu "trời kêu ai nấy dạ", ngay cả người đi đường tình cờ bị yêu cầu kiểm tra nhanh cũng phát hiện dương tính với Covid-19. Mấy ngày nay, ngày nào Sài Gòn cũng tăng trung bình hơn 2000 ca nhiễm. Vợ tôi là người trực tiếp đi mua thực phẩm cho cả nhà, tôi luôn dặn cô ấy phải chú ý vệ sinh sát khuẩn, dù tôi biết cô ấy khá cẩn trọng, tôi không thể tưởng tượng được gia đình tôi sẽ ra sao nếu phải đi cách ly, vì Donnie còn quá nhỏ.
Hy vọng dịch bệnh nhanh chóng qua đi, tôi sẽ xin nghi phép một thời gian để đưa gia đình đi ngắm biển, ngắm núi để giải toả cảm giác bí bách lúc này.